Cây Cà Chua là loài cây quen thuộc trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Tuy nhiên có thể ít ai biết được chúng là một loại trái cây chứ không phải thực phẩm. Chính bởi những gần gũi đời thường trong cuộc sống, từng góc vườn, từng bữa ăn mà chúng ta bỏ quên và ít tìm hiểu về loài cây này.
Bởi thế mà hôm nay Vườn Tâm muốn giới thiệu cho các bạn đặc điểm, ý nghĩa của cây và điều đặc biệt về cây Cà Chua sẽ được bật mí ở cuối bài viết nhất định bạn không nên bỏ qua.
Đặc điểm của cây Cà Chua
Cây Cà Chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ với tên khoa học là Lycopersicum esculentum Miller thuộc họ cà (Solanaceae) và được gọi với cái tên Tiếng Anh quen thuộc là Tomato.
Cây thuộc nhóm thân thảo, thân tròn, thẳng đứng, có màu xanh bao quanh bởi một lớp lông trắng. Thân cây mọng nước, sau đó biến đổi dần thành thân gỗ sau thời gian dài khi trưởng thành.
Đây là giống cây có thể chịu được khô hạn và phát triển nhanh nhờ bộ rễ chùm giúp cây cắm sâu vào lòng đất và hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng.
Lá cây màu xanh, thuộc loại lá kép lông chim, mỗi lá được cấu thành bởi 3-4 chét lá hình răng cưa, phiến lá có lớp lông trắng mỏng bao phủ. Ở nách lá có chồi nách, tốc độ phát triển của các chồi khác nhau ở từng vị trí, từng thời kỳ phát triển và việc tỉa cành bấm ngọn của người làm vườn.
Hoa Cà Chua mọc thành từng chùm khoảng 5-20 bông tùy điều kiện phát triển của cây. Những bông hoa có màu vàng, hình năm cánh, thuộc loại lưỡng tính có thể tự thụ phấn hình thành quả.
Quả Cà Chua có hình tròn hoặc bầu dục, nhẵn và mọng nước. Màu sắc của quả biến đổi, khi còn non quả có màu xanh sau đó chuyển dần thành màu vàng, rồi cam, đến khi chín hẳn sẽ có màu đỏ tươi. Quả có nhiều hột thịt, hạt Cà Chua có màu vàng, dẹt và có một lớp lông vàng bao phủ.
Ý nghĩa của cây Cà Chua
Cà Chua mang trong mình những ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong làm đẹp, ẩm thực, tạo cảnh quan… Sau đây là một vài ý nghĩa quan trọng khiến loại quả này trở nên thân thuộc với từng gia đình đến vậy.
Dinh dưỡng trong quả Cà Chua
Theo Viện Vệ Sinh Dịch Tễ, trong 100g cà chua bao gồm các rất nhiều chất dinh dưỡng như protit, gluxit, xenlulozơ, canxi, photpho, sắt, vitamin C, B1, B2, PP…
Đặc biệt với màu đỏ tươi tự nhiên, Cà Chua hàm chứa một lượng vitamin A tự nhiên đáp ứng 13% nhu cầu dinh dưỡng cần thiết trong ngày của cơ thể cùng với nhiều khoáng chất vi lượng quan trọng khác như iot, cobalt, nickel, magie, kali,…
Chính nhờ những vitamin và khoáng chất trên mà Cà Chua được xem là loại quả giàu chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, dễ tốt cho hệ tiêu hóa của cơ thể.
Dược tính của quả Cà Chua
Cà Chua có một nguồn lycopen lớn có khả năng chống oxy hóa bảo vệ cơ thể. Chúng là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều chị em đam mê làm đẹp từ bên trong cũng như của nhiều nhà dinh dưỡng học trong quá trình trị liệu giúp làm tăng dẫn truyền thần kinh và bảo vệ mắt.
Tiêu thụ Cà Chua còn làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư đầu cổ, bệnh tiểu đường và và nhiều bệnh tim mạch khác…
Cách trồng cây Cà Chua
Cây Cà Chua dễ dàng phát triển và gieo trồng trong nhiều vụ mùa và thời tiết khí hậu khác nhau bởi đặc điểm dễ thích nghi và sức sống mãnh liệt của cây. Dưới đây là một vài lưu ý nhỏ khi trồng cây mà Vườn Tâm tổng hợp được.
– Trồng thời vụ: Cây có thể phát triển quanh năm, bạn có thể lựa chọn một vài thời điểm sau đây để tỉ lệ nảy mầm và sản lượng quả được cao nhất.
– Vụ đông xuân: Đây là thời điểm được nhiều người là, vườn lựa chọn đặc biệt là khu vực miền bắc do thời tiết khí hậu thích hợp cho vòng đời của cây phát triển. Cây sẽ được gieo hạt vào tháng 10-11 dương lịch và thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán (khoảng tháng 1-2 dương lịch).
– Vụ xuân hè: Mùa xuân chính là mùa của cây cối vạn vật sinh sôi, cây sẽ được gieo hạt vào khoảng tháng 1-2 và thu hoạch sau 3 tháng tính từ thời điểm gieo hạt.
– Vụ hè thu: Cây sẽ được gieo hạt vào khoảng tháng 6 khi thời khắc giao mùa của cái nắng dần nhường bước vào mùa mưa. Cà Chua sẽ được thu hoạch vào tháng 9-10 để kịp chuẩn bị cho vụ đông xuân tới.
Thời gian trồng
Thời gian trồng cây và gieo hạt thích hợp nhất vào buổi chiều tối khi nhiệt độ môi trường trở nên mát mẻ và hài hòa tránh trường hợp cây bị mất nước dưới cái nắng gắt. Ngoài ra, cũng nên tránh những ngày mưa kéo dài và vùng đất trũng nước cho cây và hạt không bị ủng thối.
Kỹ thuật trồng Cà Chua bằng hạt
Chuẩn bị nước ấm theo tỉ lệ 3 nóng: 2 lạnh để ngâm hạt, sau khoảng 3 tiếng vớt ra ủ trong một lớp giấy hoặc lớp vải mỏng. Sau khi thấy hạt nứt thì đem đi gieo vào đất ẩm.
Phủ lên trên nền đất gieo hạt một lớp giá thể mỏng bằng xơ dừa đã qua xử lý giúp giữ nhiệt, giữ ẩm và làm thông thoáng khí để hạt dễ dàng nảy mầm.
Kỹ thuật trồng Cà Chua bằng cây con
Cây con cao từ 10-20 cm là có thể tách khỏi bầu trồng ra đất. Khi trồng cần đảm bảo đất có độ tơi xốp và đầy đủ chất dinh dưỡng để cây bén rễ và hút chất dinh dưỡng. Khoảng cách giữa các cây không quá thưa cũng không được quá dày.
Sau khi trồng cần tưới nước bằng bình phun sương và đảm bảo độ ẩm của đất được duy trì ổn định. Nên trồng cây trên luống giúp thoát nước kịp thời và thu hoạch được dễ dàng hơn.
Cách chăm sóc cây Cà Chua
Cà Chua được chăm sóc dễ dàng tương tự như nhiều loại cây rau củ khác, tuy nhiên nhằm giúp sản lượng quả được cao nhất hãy chú ý một vài đặc điểm sau:
Nước
Là loài cây mọng nước, với cành lá xum xuê và sai trĩu quả, Cà Chua cần khá nhiều nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Hãy thường xuyên tưới tắm cho cây Cà Chua 2-3 lần/tuần tùy vào điều kiện thời tiết.
Thời gian tưới tốt nhất vào sáng sớm hoặc chiều tối tránh ánh nắng mặt trời gay gắt khiến lượng nước bốc hơi nhanh chóng. Khi tưới đủ nước cây sẽ đảm bảo không bị khô héo và còi cọc.
Đất và phân bón
Đất trồng Cà Chua nên có độ tơi xốp và đầy đủ chất dinh dưỡng, vừa giúp cây sinh trưởng nhanh, thông thoáng tránh được nhiều sâu hại gây bệnh.
Bổ sung dưỡng chất cho đất thường xuyên đặc biệt là trong thời kỳ cây đang độ đơm hoa và đậu quả. Thời điểm này cây cần rất nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt là đạm để quả được to và mọng nước.
Nhiệt độ và ánh sáng
Cây thích hợp với nhiệt độ ngoài trời mát mẻ, tràn ngập ánh sáng. Việc trồng cây trong mùa đông giá rét có sương muối và sương giá gây ảnh hưởng nhiều đến lá và quả.
Cũng tránh trồng cây giữa mùa hè nắng gắt, các bạn có thể lựa chọn làm giàn nilon che chắn và cung cấp nước và độ ẩm cho cây thường xuyên.
Ngoài ra, khi trời quá nóng và khô hạn chúng ta cũng có thể phủ lên trên đất một lớp giá thể mỏng như xơ dừa đã qua sơ chế hoặc rơm rạ để giữ nước cho cây và duy trì độ ẩm cho đất.
Làm giàn
Thân cây Cà Chua khi còn nhỏ thường mềm yếu và dễ đổ, lại thêm phần nhiều cành lá lớn xum xuê dễ khiến cây nghiêng, đổ chạm đất tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển mạnh. Bởi thế mà phương pháp làm giàn được nhiều người sử dụng trong thời điểm hiện nay.
Cách làm giàn khá đơn giản mà giúp bạn tiết kiệm được nhiều diện tích đất và tăng sản lượng cây trồng. Cách làm giàn cơ bản như sau:
Sử dụng các thân cây tre, nứa hoặc gỗ dài khoảng 1m cắm xuống đất và dùng dây liên kết với nhau tạo thành giàn. Dùng dây cố định thân cây với giàn để đỡ thân cây không để thân cây, cành lá đụng giập, gãy đổ.
Bấm ngọn và tỉa cành
Để cây phát triển tốt, phân nhiều nhánh và tập trung dinh dưỡng nuôi quả, phương pháp bấm ngọn là lựa chọn tuyệt vời và đặc trưng khi chăm sóc Cà Chua.
Sau khi cây ra hoa chính là thời điểm thích hợp để bấm ngọn và tỉa bớt các chồi nách nhỏ cùng những lá già đã úa vàng hoặc tập trung nhiều vùng gốc cây. Phần lá thừa phía trên chúng ta chờ hoa đã ngả vàng và quả bắt đầu hình thành thì cắt bỏ dần.
Cách phòng trừ sâu bệnh cho cây Cà Chua
Cây Cà Chua có một vài bệnh thường gặp như bệnh sương mai, bệnh héo xanh, bệnh đốm quả, bệnh thán thư, bệnh xoắn lá… Mỗi bệnh lại có những cách xử lý khác nhau. Dưới đây là một vài mẹo phòng trừ sâu bệnh.
Khi cây bị héo xanh, ta nên nhổ bỏ những cây đã héo rồi rắc vôi bột để khử độc tránh lan cho các cây xung quanh. Phun định kỳ Vertimec để phòng trừ và tiêu diệt nhiều loại sâu bệnh khác.
Trước thời điểm thu hoạch 2 tuần không nên sử dụng thuốc trừ sâu hay bất kỳ hóa chất nào lên cây nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dùng và chính bạn.
Cây Cà Chua tạo vẻ đẹp cảnh quan
Chắc hẳn chúng ta rất ít người nghĩ đến việc biến cây Cà Chua trở thành một loại cây cảnh “đặc biệt” vừa tốt cho sức khỏe vừa tạo cảnh quan trong phòng của bạn.
Cây cùng với vẻ đẹp xum xuê trù phú cùng chùm quả nổi bật và thân cây mềm dẻo dễ tạo dáng hứa hẹn đem đến cho bạn trải nghiệm mới lạ cùng thích mắt khi được trở thành dáng vẻ như những loài cây để bàn khác.
Đọc đến đây, bạn có muốn có cho mình một cây Cà Chua xinh đẹp ngay trong căn phòng của mình hay chưa. Nếu có hãy chia sẻ cùng Vườn Tâm góc nhỏ đáng yêu này nhé!
Các loại cây gia vị khác:
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.