Con người có tình yêu thương, vạn vật cũng vậy. Mỗi người mỗi vật lại biểu hiện tình yêu bởi những hành động, lời nói, màu sắc, hình dáng, hương thơm, mùi vị khác nhau để cảm ơn cuộc đời đã bao bọc và yêu thương.
Hôm nay, Vườn Tâm sẽ giới thiệu cho bạn một loài cây biểu hiện tình yêu từ cái tên đến vẻ ngoài gây thương nhớ. Đó là cây Cẩm Cù Lá Tim, cùng Nắng tìm hiểu vẻ đẹp của cây nhé.
Nguồn gốc của cây Cẩm Cù Lá Tim
Cây Cẩm Cù Lá Tim có tên khoa học là Hoya Kerrii, thuộc họ La Bố Ma (Apocynaceae), phân Họ Asclepiadaceae (Thiên Lý).
Cây xuất xứ từ Đông Nam Á và Úc, được trồng nhiều ở miền nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Cây Cẩm Cù Lá Tim thuộc loài lan Cẩm Cù, được chúng ta gọi với rất nhiều cái tên thân thương như Lan Sao, Lan Cầu Lông, Lan Anh Đào,…
Lan Cẩm Cù có hơn 40 loại khác nhau, tên gọi của chúng được dựa trên các phân loại hoa ví dụ như: Cẩm Cù trắng (hoa màu trắng), Cẩm Cù Đỏ (hoa màu đỏ),…
Nhiều người gọi Lan Cẩm Cù Lá Tim bởi vẻ đẹp đặc biệt và độc đáo từ chiếc lá hình trái tim, mang nhiều thông điệp và ý nghĩa.
Đặc điểm hình thái cây
Cây leo mềm dẻo, dai chắc, có chiều dài lên tới 3-4m. Trên thân có các đốt mọc ra nhiều rễ nhỏ để giúp cây bám chắc. Cây thường đẻ ra nhiều nhánh lớn và phân nhánh nhỏ để tiếp tục phát triển thành cây xum xuê.
Tùy thuộc vào ánh sáng mà cây phát triển với hình thái khác nhau. Trong môi trường thiếu ánh sáng, thân cây vươn dài nhỏ mà lá thưa thớt, nhiều ánh sáng thân ngắn mập nhiều có lá mọc xen nhau.
Lá đối xứng qua đốt trên thân cây, màu xanh bóng bọng nước. Lá có kích thước rộng 4*6 cm, dày 3-5 mm, hình trái tim tạo vẻ đẹp đặc trưng của cây.
Bộ rễ chùm giúp cây dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh sống, leo bám, và hút được nhiều chất dinh dưỡng kể cả trong môi trường khắc nghiệt.
Điểm nổi bật của cây còn là những bông hoa tròn như quả cầu với hàng trăm bông nhỏ trên một đài lớn. Cánh hoa mềm gồm 5 cách nhỏ hình ngôi sao có các màu hồng phấn, đỏ, tím, trắng,… Tỏa ra mùi thơm dễ chịu, thanh nhã và lâu tàn.
Ý nghĩa và tác dụng của cây Cẩm Cù Lá Tim
Người ta chọn cây Lan Cẩm Cù trồng vì nhiều lý do, trong đó là những lý do cơ bản sau đây:
Cây tạo thẩm mỹ cho không gian sống
Là loài cây leo bám và dễ thích nghi, Cẩm Cù Lá Tim thường được lựa chọn trồng ngoài ban công hoặc bờ tường, leo lên các phiến đá nhân tạo,… Tạo nên một khối kiến trúc xanh, thân thiện và gần gũi.
Cây cũng có thể rủ xuống, lan khắp nơi dễ dàng tạo dáng đem đến một phong cách riêng của không gian mà chính người trồng là người nghệ sĩ vẽ nên khung cảnh đó.
Thanh lọc không khí, làm mát dịu môi trường sống xung quanh
Không gian xanh đem đến cho gia chủ không khí trong lành, khỏe khoắn. Tạo cảm giác thư thái và tận hưởng những vẻ đẹp của cây cối sau ngày làm việc mệt mỏi.
Cây như mang thiên nhiên đến với từng gia đình, từng người. Mọi thứ như hòa hoãn, nhẹ nhàng đến lạ.
Trở thành món quà ý nghĩa
Với hình thái chiếc lá mang hình trái tim, cây Cẩm Cù Lá Tim trở thành một món quà đong đầy tình cảm yêu thương gửi đến người thân, người yêu xung quanh bạn.
Cây với lời nhắn gửi sự đong đầy, viên mãn, tình cảm dạt dào và bền chặt, không bao giờ thay đổi. Đó có thể là tình yêu, niềm thương, sự thấu hiểu, chia sẻ đến với bất kỳ ai.
Cách nhân giống Cẩm Cù Lá Tim
Có nhiều cách nhân giống cây Cẩm Cù Lá Tim, bạn có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau:
Giâm cành
Giâm cành là cách trồng giúp cây sớm ra hoa nhất. Cách trồng này vô cùng đơn giản.
Đầu tiên bạn hãy chọn cành cây đã lớn, đủ dẻo dai và khỏe mạnh. Cắt khoảng 3-4 đốt lá rồi giâm vào đất. Đất cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và nước.
Sau đó bạn hãy sử dụng chất kích rễ được bán sẵn tại các cửa hàng cho cây trồng để tăng tỉ lệ sống của cây và tiết kiệm được nhiều thời gian.
Sau đó chăm sóc như bình thường. Chờ cây ổn định phát rễ liền có thể đem ra chậu trồng rồi.
Dùng lá để ươm cây
Cũng tương tự như giâm cành, bạn hãy thực hiện các bước tương tự là có thể ra được cây con mà mình muốn rồi. Hãy chú ý chọn những lá già và khỏe mạnh để ươm.
Cây con sẽ mọc từ các khe lá, đây là phương pháp giúp tăng số lượng cây lên nhanh chóng. Tuy nhiên việc ươm lá sẽ mất nhiều thời gian hơn để cây lớn nha.
Trồng bằng hạt
Đây là cách trồng cây Cẩm Cù Lá Tim dễ dàng và đơn giản nhất. Bạn chỉ cần chọn những hạt trên trái chín già, sau đó đem phơi khô và bảo quản để chờ ngày trồng.
Khi reo cần chú ý môi trường thoáng mát, đủ nước và dinh dưỡng để mầm cây nhanh chóng đâm chồi nảy lộc. Sau khi cây đã lớn thì trồng ra các chậu lớn hơn để cây dễ dàng độc lập thích nghi dần với môi trường.
Đây là phương pháp trồng có tỷ lệ cây sống rất cao, tuy nhiên thời gian chờ cây lớn và ra hoa lại lâu nhất, thời gian có thể lên đến cả năm trời.
Cách chăm sóc cây Cẩm Cù Lá Tim
Cây Cẩm Cù Lá Tim là loài có sức chịu đựng và kháng bệnh rất tốt. Tính thích nghi của cây thích hợp với mọi môi trường sống bởi thế nên việc chăm sóc khá dễ dàng. Bạn cần chú ý các vấn đề sau:
Nước
Chịu hạn tốt là khả năng đặc trưng của loài cây bọng nước này. Cẩm Cù Lá Tim không cần quá nhiều nước, cũng không cần chăm sóc quá kỹ.
Bạn chỉ cần tưới cây 1 lần/tuần bằng bình phun sương, chú ý kiểm tra lỗ thoát nước của cây để tránh trường hợp cây chịu cảnh úng nước.
Nhiệt độ
Cây ưa sự mát mẻ, thoáng đãng, thích hợp với nhiệt độ từ 20-28 độ C. Không nên trồng cây trong những phòng kín bí bách.
Ánh sáng
Cây Cẩm Cù Lá Tim là loài ưa ánh sáng tán xạ, lượng ánh sáng tốt nhất cho cây là khoảng 60%. Bởi vậy nên trồng ở cửa sổ, ban công hoặc nơi có mái che, không thích hợp trồng trong nhà hay trong phòng kín.
Ánh sáng là tác nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến vẻ ngoài và quá trình sinh trưởng của cây. Trong điều kiện ánh sáng quá nhiều lá rất dễ bạc màu, còn quá ít sáng hoa không thể nở.
Đất
Việc trồng cây Cẩm Cù Lá Tim cần có đất trồng dễ thoát nước với các thành phần từ mùn gỗ, xơ dừa giúp cây tránh ngập úng.
Và đặc biệt là cây có thể sống trên giá thể, mùn mục, vỏ cây, thậm chí vẫn không cần đất vẫn phát triển được. Đó chính là đặc tính của loài lan.
Tuy vậy, nếu muốn cây phát triển tốt nhất vẫn cần bổ sung dưỡng chất cho đất trồng nha.
Bón phân
Cây có thể sống trong những môi trường ít đất bà chất dinh dưỡng nhất. Cho nên bạn không cần bón phân quá nhiều lần. Cách 2-3 tháng bạn có thể cung cấp cho cây lượng phân bón nhỏ nha.
Nắng khuyên bạn sử dụng phân bón hữu cơ tự ủ để bón lót, sau đó khi cây đã đủ lớn và sắp ra hoa thì bón phân NPK để đủ dưỡng chất khiến cây bung hương tỏa sắc.
Những thông tin ngoài lề về cây Cẩm Cù Lá Tim
Ngoài những thông tin mà Vườn Tâm vừa chia sẻ ở trên thì còn có rất nhiều câu hỏi xoay quanh loài cây này. Hãy tiếp tục theo dõi biết đâu lại có những câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm.
Lan Cẩm Cù Lá Tim ra hoa vào tháng mấy?
Theo kinh nghiệm nhiều năm về trồng cây thì Lan Cẩm Cù có thể ra hoa vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bất kể là đông, xuân, thu, hạ, nắng gắt hay mưa giông, nóng bức hay lạnh giá đều có thể nở hoa.
Chỉ cần cây đủ lớn và chăm sóc đúng cách cùng với dinh dưỡng tốt mỗi năm hoa có thể nở khá nhiều lần.
Cách phòng trừ sâu bệnh cây Cẩm Cù Lá Tim?
Tác nhân thường gặp gây hại cho cây Cẩm Cù Lá Tim chủ yếu là loài rệp. Cần chú ý môi trường xung quanh và độ ẩm thích hợp với cây.
Trong trường hợp cây đang bị những con rệp xâm lấn thì bạn hãy phun thuốc đặc trị lên lá cây và thân cây nhé.
Thường xuyên kiểm tra tình trạng của cây để kịp thời phát hiện và diệt trừ những tác nhân có hại đến cây.
Trồng cây Cẩm Cù Lá Tim ở đâu?
Cây Cẩm Cù thuộc giống cây leo, rất dễ tạo hình thân cây trở nên thu hút và thẩm mỹ hơn. Bởi vậy, tính ứng dụng trong không gian sống xanh được áp dụng mạnh mẽ.
Để đi theo xu hướng đó cây có thể trở thành bờ rào xanh ngát trù phú hoặc leo giàn trước hiên nhà, trên ban công hoặc rũ xuống bên khung cửa sổ.
Không chỉ vậy, cây còn bám vách đá cây khô, bờ tường tạo nên không gian mới lạ, sang trọng nhưng cũng gần gũi, trong trẻo.
Mong rằng những thông tin Vườn Tâm cung cấp có thể giúp bạn hiểu thêm về cây cũng như định hình được vẻ đẹp của cây.
Hãy trồng ngay một cây Cẩm Cù Lá Tim để cảm nhận những điều mới lạ mà cây đem lại nhé!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.