Vẫn là khoảnh khắc đầy xuyến xao của một ngày vương nắng, cánh gió đưa hương cùng cái se se lạnh đầu Đông. Những cây Sơn Tùng xanh ngát làm Vườn Tâm như lại nao nức nhớ về một mùa Giáng Sinh đang đến gần.
Cây Sơn Tùng chính là món quà đặc biệt không thể thiếu trong nhiều dịp Giáng Sinh trở lại đây. Hãy cùng Vườn Tâm tìm hiểu xem nguồn gốc và đặc điểm của cây Sơn Tùng? Ý nghĩa của cây để tìm hiểu lý do nhé!
Nguồn gốc của cây Sơn Tùng
Cây Sơn Tùng còn được gọi với nhiều cái tên như Tùng Chanh, Tùng Thơm, Tùng Hương… Cây có tên khoa học là Cupressus Macrocarpa thuộc họ Goldcrest tree (Họ Hoàng Đàn-Họ Tùng).
Cây có nguồn gốc từ nam Châu Mỹ xa xôi, với hình dáng ấn tượng và đặc biệt cùng với mùi hương nhẹ nhàng thanh tươi khiến cho cây ngày càng được nhân giống và trồng rộng rãi trên khắp thế giới.
Ngày nay, tại Việt Nam, Cây Sơn Tùng trở thành một loài cây rất được săn đón và ưa chuộng đặc biệt trong mỗi dịp Giáng Sinh.
Đặc điểm hình thái của cây Sơn Tùng
Điểm nổi bật khiến cây được ưa thích mỗi độ Giáng Sinh như vậy là do hình thái của cây Sơn Tùng tựa như một cây thông Noel mini.
Cây có thân gỗ, có kích thước đa dạng với chiều cao từ 30cm đến hơn 1m. Cây tỏa ra mùi hương thanh mát, nhẹ nhàng thoang thoảng trong gió.
Cây lá kim có màu xanh vàng, mọc um tùm tạo nên hình tháp thuôn nhọn dần về phía ngọn. Tạo nên một vẻ đẹp riêng của cây, giúp cây dễ dàng được tạo hình trang trí và bày ở nhiều nơi.
Rễ cây là loại rễ chùm cắm sâu vào trong lòng đất, dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng và nước.
Tác dụng của cây Sơn Tùng
Mỗi một loài cây đều mang trong mình những câu chuyện và có ý nghĩa riêng đem đến cho đời. Vậy ý nghĩa và tác dụng của cây Sơn Tùng là gì?
Món quà đặc biệt trong dịp Giáng Sinh
Bởi vẻ ngoài giống với cây thông Noel cùng với kích thước nhỏ bé hơn nên cây Tùng Thơm dần trở thành loài cây được nhiều người lựa chọn để làm trang trí cho ngày Giáng Sinh.
Cây có màu sắc vàng xanh nổi bật lên giữa không gian, các phụ kiện trang trí sẽ được gia chủ lựa chọn và treo lên cây tạo nên không khí Giáng Sinh lung linh, ấm áp.
Đây chính là món quà Giáng Sinh đem lại cho bạn, cũng chính là món quà các bạn dành tặng nhau mỗi dịp Giáng Sinh về.
Tạo cảnh quan sân vườn
Cây có màu xanh đặc biệt bắt mắt, làm nổi bật lên khu vườn của bạn. Giữa những màu xanh thẫm của lá cây, màu của hoa, của nắng, cây Sơn Tùng như làm hài hòa thêm cho mọi cảnh vật.
Dáng cây thẳng đứng, vững vàng, cành lá xum xuê và trù phú vẽ nên khung cảnh rừng thông mini gần gũi thân thương.
Cây trang trí nội thất
Cây có kích thước đa dạng và đặt tại nhiều vị trí khác nhau bởi vậy có thể phù hợp với không gian nội thất khác nhau.
Cây có thể đặt trên bàn ăn, trên kệ đầu giường, kệ TV, kệ sách, bàn làm việc hoặc để trong góc nhà, hành lang, chân cầu thang…
Không gian nội thất của bạn sẽ trở nên hiện đại, tinh tế và đơn giản dù cho không gian rộng hay hẹp.
Cây đuổi muỗi và côn trùng
Tinh dầu từ lá cây Sơn Tùng có hương thơm nhẹ nhàng và có khả năng xua đuổi muỗi rất tốt.
Hương thơm này chính là hương thơm tự nhiên và không gây hại như nhiều loại tinh dầu chứa đầy chất hóa học không đảm bảo.
Mùi hương của cây còn giúp gia chủ giảm stress, hỗ trợ giấc ngủ và thư giãn hơn.
Ý nghĩa phong thủy của cây Sơn Tùng
Ngoài những công dụng ở trên, cây Sơn Tùng còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Cây được cho rằng đem đến nhiều may mắn và tài lộc. Mùi hương của cây giúp tránh những khí xấu, vận xấu không hay đến cho gia chủ.
Vậy cây Sơn Tùng hợp mệnh gì? Ý nghĩa phong thủy của cây Sơn Tùng là gì?
Cây có lá kim đầy mạnh mẽ nên được người có mệnh Kim trồng sẽ đem đến nguồn động lực thúc đẩy lớn lao, sự nghiệp hanh thông, tài lộc suôn sẻ.
Màu lá xanh quanh năm cùng dáng cây thẳng đứng xum xuê mang đặc tính của hành Mộc. Bởi vậy, theo ngũ hành tương ứng, người mệnh Mộc trồng cây Sơn Tùng cũng rất tốt.
Cách nhân giống cây Sơn Tùng
Ngày nay, Sơn Tùng đang được nhân giống và trồng rộng rãi ở khắp nơi. Chính bạn cũng có thể tự trồng cho mình một cây Sơn Tùng cho riêng mình.
Có hai cách nhân giống cây chính là giâm cành và chiết cành, hai cách này có tỷ lệ cây giống sống và khỏe mạnh tương đối cao. Tuy nhiên cách giâm cành vẫn được lựa chọn nhiều hơn do cách trồng đơn giản hơn.
* Cách trồng như sau:
- Đầu tiên bạn hãy chọn một cành Sơn Tùng không quá non cũng không được quá già.
- Cắt bỏ lá 3-4 cm dưới gốc, cắm vào đất sẵn màu mỡ và ẩm ướt.
- Tưới chất kích thích mọc rễ lên và thường xuyên tưới nước cho cây.
Sau một thời gian cây phát triển lớn hơn hãy trồng cây lại vào đất thường, đất sân vườn hoặc đất chậu được pha trộn sẵn. Rồi thực hiện chăm sóc như cây bình thường.
Cách chăm sóc cây Sơn Tùng
Sơn Tùng là cây tương đối “đỏng đảnh” và khó chăm sóc. Tuy nhiên chỉ cần hiểu được đặc tính của cây chăm sóc đến khi cây thuần với khí hậu thì cây sẽ rất khỏe.
Đất
Đất trồng cây phải đảm bảo độ thông thoáng tốt, các nguyên liệu được ưu tiên sử dụng để trộn đất như xơ dừa, xỉ than, tro, trấu…
Ngoài ra cây cũng có thể trồng trên đất thịt màu mỡ, tuy nhiên cần xới tơi đất thường xuyên tránh đất chịu ứ nước và tạo môi trường thích hợp cho sâu bệnh ảnh hưởng đến cây.
Nước
Cây không chịu được úng nước, loài lá kim khả năng thoát nước cũng rất kém. Bởi thế nên không nên tưới quá nhiều nước cho cây.
Hãy tưới lượng nước vừa đủ khoảng 1 lần/tuần và thường xuyên chú ý độ ẩm của đất để quyết định lượng nước tưới nha.
Ánh sáng
Sơn Tùng là loài cây ưa sáng, hãy đảm bảo cây có thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hơn 4 tiếng/ngày.
Tuy nhiên khi chưa thuần khí hậu, không nên để cây dưới ánh sáng mặt trời quá gay gắt trong thời gian dài dễ gây héo lá và rụng lá.
Nhiệt độ
Cây thích hợp sống trong môi trường nhiệt độ từ 16-26 độ C. Cây có thể sống được trong môi trường nhiệt độ thấp nhưng sẽ rất chậm phát triển.
Nếu nhiệt độ quá cao, nắng nóng và khô hạn kéo dài có thể kiến cây vàng lá, héo và cháy lá thậm chí là khô rạp cả cây.
Phân Bón
Sử dụng phân lân để bón lót cho cây dễ dàng phát triển rễ và lá. Sau khi cây đã lớn và khỏe mạnh hãy bổ sung phân NPK cho cây bằng cách hòa trộn phân với nước và tưới cho cây.
Những điểm nổi bật nhưng vẫn cần được bật mí
Cây còn rất nhiều điểm đặc biệt và hay ho mà Nắng nghĩ là các bạn sẽ rất thích thú khi đọc các thông tin này.
Cách trang trí cây Sơn Tùng
Với hình dáng đặc biệt của một cây thông Noel mini, cách trang trí cây Sơn Tùng cũng tương tự vậy.
Trên cây sẽ được treo những phụ kiện, bóng đèn, ngôi sao, những lời chúc đầy yêu thương, những gói quà nhỏ xinh tượng trưng hay những chiếc tất nhỏ bé như đang đón chờ quà tặng đặc biệt của ông già Noel gửi đến chúng ta…
Những năm gần đây, việc trang trí những lát Cam khô cùng Quế đang trở thành một xu hướng được nhiều người ưa thích. Không chỉ với chúng làm tôn lên vẻ đẹp của cây mà còn biểu chưng cho sự tốt lành, may mắn.
Cách tỉa cây Sơn Tùng
Câu Sơn Tùng sau một thời gian phát trển xanh tươi, những cành lá xum xuê sẽ trở nên um tùm bất quy tắc. Bởi vậy thường xuyên cắt tỉa lá cho cây là một điều rất cần thiết.
Bạn hãy cắt tỉa những lá già, héo dưới gốc cây để tránh sâu bệnh, trên thân cây, tỉa những lá mọc quá dài và lởm chởm, đưa cây về đúng với hình chóp xanh ngắt và xinh đẹp ban đầu.
Cây Tùng Thơm sống được bao lâu
Cây Tùng Thơm sẽ sống được rất lâu theo năm tháng nếu bạn có thể chăm sóc cây hợp lý. Hãy đảm bảo cây được sống trong môi trường thuận lợi và ổn định.
Vậy là những chia sẻ nhỏ của Vườn Tâm chắc đã đem đến cho các bạn cái nhìn tổng quát nhất về cây Sơn Tùng rồi nhỉ? Bạn đã sẵn sàng phụ kiện để trang trí một cây “Tùng Noel” cho mình chưa?
Nếu chưa tìm được ý tưởng để trang trí cây, hãy ghé qua Vườn Tâm để ngắm nhìn và chọn cho mình một cây Noel được Nắng tỉ mẩn chăm sóc và trang trí sẵn nhé!
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.