Sau khi mua cây cảnh tại các nhà vườn hay các tiệm cây xanh, nhiều người có ý muốn trồng cây sang chậu mới theo ý thích của mình. Đây cũng là lý do chủ đề làm thế nào để sang chậu và thay đất mới cho cây cảnh được rất nhiều người quan tâm.
Đồng hành cùng quá trình chăm sóc cây, nuôi dưỡng những mầm non xinh xắn, trong bài viết sau đây Vườn Tâm sẽ cùng bạn giải quyết những thắc mắc khi sang chậu mới cho cây nhé!
Lý do cần phải thay chậu mới cho cây
Mục đích của việc thay đất, sang chậu mới cho cây bản chất là để cung cấp môi trường sống tốt hơn, phù hợp hơn để cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Trong một thời gian được nuôi dưỡng tại nhà vườn, cây đã sử dụng hết chất dinh dưỡng trong chậu đất, không gian để rễ mới tiếp tục mọc ra cũng ít dần đi, bởi vậy việc thay đất là điều đương nhiên.
Bên cạnh đó, việc sang chậu mới cũng là lúc chúng ta có thể làm mới cho cây, cắt tỉa một số lá, cành già, tỉa rễ kích thích ra rễ mới,… và trồng sang chậu mới thẩm mỹ hơn để phù hợp với không gian sống.
Cũng có trường hợp cần thay đất cho cây cảnh để cứu cây vì chẳng may bạn lỡ tay tưới quá nhiều nước mà chậu lại không thoát được nước.
Hướng dẫn thay đất cho cây cảnh
Việc thay đất cho cây không hề khó khăn như bạn nghĩ, hãy cùng Vườn Tâm tiếp tục tìm hiểu các bước thay đất cho cây cảnh nhé!
Chọn chậu mới cho cây
Chậu trồng cây quyết định đến sự phát triển của cây sau này. Thông thường các loại cây trồng trong nhà thường được trồng vào các chậu có kích thước lớn có đường kính gần bằng đường kính tán cây để tạo sự cân đối.
Nếu trồng trong các chậu quá nhỏ cây sẽ bị “bó rễ” và không có không gian để mọc rễ mới, hấp thu nhiều chất dinh dưỡng. Ngược lại, nếu trồng cây trong chậu quá lớn thì chiếm diện tích trong nhà, đồng thời bạn sẽ gặp khó khăn trong quá trình tưới nước cho cây.
Nên ưu tiên các chậu có lỗ thoát nước bởi các loại cây trồng trong nhà phần lớn đều không chịu được úng nước. Nếu cây bị ngâm trong nước quá lâu có thể dẫn tới bị chết cây.
Chọn loại đất trồng phù hợp
Khi trồng trong các chậu ươm từ vườn qua thời gian chịu nắng chịu mưa thì đất đã hết chất dinh dưỡng. Vì vậy việc làm cần thiết đó là thay đất mới cho cây.
Mỗi loại cây trồng tương ứng với các loại đất khác nhau. Tuy nhiên loại đất phù hợp cho cây trồng trong nhà nói chung nên là loại đất thoát nước tốt, có độ tơi xốp để đề phòng tình trạng bí, nóng rễ cây.
Các loại đất có khả năng thoát nước kém dễ làm úng và chết cây. Tuy nhiên nếu bạn trộn đất có tỷ lệ thoát nước quá cao thì cũng sẽ phải thường xuyên tưới nước cho cây hơn.
Nhổ cây ra khỏi chậu
Khi lấy cây ra khỏi chậu cũ, bạn cần cẩn thận là vỡ bầu cây và ảnh hưởng đến rễ cây bởi không phải loại cây nào cũng thích sự chuyển dời đó.
Nếu như đất trong chậu quá chặt, bạn có thể dùng dao hoặc kéo cắt phần chậu cũ đi nếu chậu cũ là chậu nhựa.
Còn đối với những cây đám bám chặt trong chậu xi măng, chậu gốm, sứ,… thì bạn có thể ngâm chậu vào nước hoặc tưới nước vào đất cho đất mềm ra và sau đó việc dỡ cây cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Xử lý rễ cây trước khi trồng
Cần tiến hành cẩn thận đối với bộ rễ của cây. Bạn có thể tỉa bớt một số rễ thừa giúp cây tập trung chất dinh dưỡng, đồng thời kích thích sản sinh rễ mới nhiều hơn, khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên bạn cũng không nên tỉa quá nhiều rễ của cây, bởi cây sẽ bị sốc, ảnh hưởng đến chức năng hấp thụ nước và vận chuyển chất dinh dưỡng cho cây. Điều này sẽ làm cây trở nên yếu hơn.
Tiến hành sang chậu cho cây
Bước tiếp theo vô cùng quan trọng đó là chuyển cây sang chậu mới. Bạn đặt cây vào chậu đã chuẩn bị sẵn và tiến hành thêm đất để cố định cây.
Chú ý chọn mặt đẹp nhất của cây tương ứng với mặt trước của chậu. Để cây ở trung tâm chậu hoặc lệch một chút về bên trái, bên phải, đằng sau,… tùy theo ý tưởng thiết kế chậu cây của bạn.
Thêm đất vào chậu để cố định cây
Đất trồng trong chậu gồm 3 lớp cơ bản. Lớp thứ nhất nhằm tạo độ thông thoáng và thoát nước cho cây. Thông thường đây sẽ là lớp sỉ than hoặc sỏi nhẹ. Lớp đất thứ 2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, cung cấp chất dinh dưỡng đảm bảo sự phát triển của cây. Lớp trên trên cùng nhằm cố định giúp cho cây không bị ngả nghiêng.
Lưu ý: Không nên nén đất quá chặt bởi nó sẽ làm cho rễ cây bị bí và không hút được nước. Khi bạn để độ tơi xốp vừa phải, đất sẽ tự nén lại một cách tự nhiên qua các lần tưới.
Tưới nước ẩm cho đất
Sau khi cố định cây, bạn nên tưới ẩm đất và để cây ở vị trí râm mát để cây có thời gian phục hồi và tiếp tục sinh trưởng.
Đồng thời bạn cũng nên chú ý quan sát cây kỹ hơn trong thời gian mới sang chậu mới. Khi thấy cây có dấu hiệu là cần tìm rõ nguyên nhân để khắc phục kịp thời.
Sau khi cây trồng trong chậu mới đã ổn định bạn có thể mang cây ra chỗ thoáng nhiều ánh sáng và gió đế cây vươn mình lớn nhanh hơn.
Với nhiều năm kinh nghiệm trồng cây cảnh, bắt bệnh cho cây, Vườn Tâm đã và đang nuôi dưỡng các em cây lớn lên khỏe mạnh, xanh tươi mỗi ngày. Hơn hết chúng tôi hiểu được những yếu tố cần thiết để giúp cây của bạn đâm chồi đơm hoa kết trái.
Nếu có bất kỳ vấn đề nào còn thắc mắc trong quá trình chăm sóc cây cảnh, bạn liên hệ với Hotline chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất nhé!