Xa xa ánh chiều tà, giàn Đậu Biếc nở hoa, người trồng hoa năm ấy, thư thái ngắm trời mây. Lãng mạn thay khung cảnh nên thơ, đời thường ấy lại hiện diện ngay chính ngôi nhà của bạn.
Giàn hoa Đậu Biếc nên thơ ấy sẽ được tái hiện khi Vườn Tâm hướng dẫn cách các bạn cách trồng giàn hoa Đậu Biếc trong bài viết sau đây. Các bạn cùng đón xem nhé!
Đặc điểm của cây Đậu Biếc
Trước khi đến với cách trồng thì chúng ta cần tìm hiểu về hoa Đậu Biếc xem chúng có đặc điểm cơ bản nào nhé.
Cây Đậu Biếc còn được nhiều người thân thương gọi là Đậu Hoa Tím, Bông Biếc,… Cây có tên khoa học là Clitoria ternatea thuộc họ đậu Fabaceae.
Cây được trồng phổ biến trên khắp dải đất hình chữ S vì có sức chống chịu cao và khả năng thích nghi tốt với môi trường sống xung quanh.
Cây thường leo thành giàn. Thân cây có độ mềm dẻo và phát triển nhanh nên trong điều kiện thích hợp có thể phát triển cao đến 15m. Xung quanh thân được bao bởi lớp lông tơ mỏng.
Lá kép, mọc đối xứng, được xếp từ 5 lá chét xếp đối xứng. Lá dẹt dài, cũng giống như thân cây có một lớp tơ mỏng trên bề mặt.
Hoa Đậu Biếc có màu xanh tím, hình chuông, ở chính giữa có màu vàng nhạt. Đài hoa có lông nhung mịn bên trong. Mùi thơm nhẹ nhàng, thanh mát.
Ý nghĩa của Hoa Đậu Biếc
Hoa Đậu Biếc là loài cây quen thuộc thường gặp trong rất nhiều gia đình. Ngoài những công dụng cho sức khỏe và vẻ đẹp của cây thì cây cũng mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Cây Đậu Biếc là biểu tượng của vẻ đẹp duyên dáng mềm mại, e ấp, thầm lặng nhưng gần gũi, hài hòa. Cây còn có ý nghĩa biểu thị cho niềm vui vẻ, hòa đồng, cống hiến thầm lặng và hạnh phúc.
Tác dụng của Hoa Đậu Biếc
Ngày xưa người ta thường sử dụng hoa Đậu Biếc làm hàng rào. Vừa để bảo vệ vừa làm đẹp xanh thêm cho khu vườn. Tuy nhiên ngày nay, nhiều nghiên cứu và ứng dụng thực tế đã chỉ ra rất nhiều tác dụng khác của hoa Đậu Biếc.
Hoa có màu xanh tím đặc trưng nên thường được nhiều người sử dụng như một chất tạo màu tự nhiên và an toàn trong chế biến bánh, xôi và thức ăn.
Cũng chính bởi màu xanh này mà hoa cũng được sử dụng trong đồ uống. Ngoài tạo được màu sắc lý tưởng cho các loại trà, sinh tố,… Nó còn đem lại một lợi ích lớn đến cho sức khỏe của người sử dụng.
Hoa Đậu Biếc được xem là một chất chống oxy hóa thần kỳ. Giúp cơ thể duy trì sự trẻ trung, làm đẹp da, tăng cường trí não giúp đầu óc tỉnh táo, minh mẫn, tăng khả năng tập trung trong công việc.
Ngoài ra chúng chứa anthocyanin ức chế quá trình peroxy hóa lipid giúp cơ thể giảm cân. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch và các bệnh chuyển hóa khác. Hỗ trợ bảo vệ Gan, Thận,…
Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng sử dụng hoa Đậu Biếc. Việc sử dụng quá nhiều trong thời gian dài cũng đem lại nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai.
Cách trồng hoa Đậu Biếc
Mỗi một loại cây lại có một đặc tính một cách trồng khác nhau. Cây Đậu Biếc cũng vậy, tuy vậy chúng ta có thể tìm hiểu và thử trồng theo cách của Vườn Tâm nhé.
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ
*Cách chọn hạt
Hạt cây Đậu Biếc được bán tại nhiều cửa hàng, những hạt này thường đã thông qua bước kiểm định, chọn lọc kỹ càng về chất lượng. Bạn nên lựa chọn các điểm bán hạt giống uy tín để đảm bảo chất lượng hạt được tốt nhất.
Hoặc bạn có thể nhân giống cây Đậu Biếc từ hạt Đậu Biếc của cây trồng sẵn, ta chọn các hạt to, đẹp, loại bỏ hạt lép. Rồi phơi khô để chờ ngày trồng.
*Cách chọn đất
Cây Đậu Biếc là loại cây thích hợp trồng ở nhiều loại đất khác nhau. Từ đất thịt màu mỡ đến các loại đất được pha trộn sẵn, các chất dinh dưỡng tổng hợp hay chất dinh dưỡng hữu cơ cây đều có thể phát triển tốt.
Bạn có thể trồng cây Đậu Biếc trong hộp xốp, trong chậu, ngoài đất vườn, trên góc nhỏ ban công đều được. Tuy vậy cần đảm bảo nước có thể thoát nước tốt tránh tình trạng cây bị úng nước.
Bước 2: Trồng cây
*Ủ hạt giống
Bạn có thể ngâm hạt giống với nước ấm khoảng 30-40 độ C trong vòng 30 phút đến 1 tiếng. Sau đó vớt hạt ra và ủ với khăn ấm trong 7-8 tiếng hoặc để qua đêm. Nhờ đó cây sẽ nhanh nảy mầm hơn.
*Gieo hạt
Gieo hạt giống xuống đất rồi phủ một lớp đất mỏng lên trên bề mặt. Tưới phun sương để giữ độ ẩm cho đất. Để cây vào nơi có bóng râm. Sau đó chờ cây lớn lên để chăm sóc.
Ngoài ra chúng ta có thể giâm cành hoa Đậu Biếc sau đó đem cành đã giâm để trồng và chăm sóc như cây mọc từ hạt nha.
Cách chăm sóc hoa Đậu Biếc
Việc theo dõi quá trình phát triển của cây và chăm sóc cây không mất nhiều thời gian của bạn. Hãy cùng chú ý các mẹo nhỏ sau để cây phát triển đơm hoa kết trái nhiều nhất nhé!
Nước
Cây Đậu Biếc ưa ẩm, khi được tưới đủ lượng nước cây sẽ phát triển rất nhanh. Vào mùa khô và nắng nóng, chúng ta có thể tưới 1-2 lần/ngày. Còn trong mùa mưa thì bạn có thể xem xét tùy độ ẩm của đất mà tưới ngày 1 lần.
Tuy nhiên, cây cũng có khả năng chịu hạn khá tốt, dù không tưới thường xuyên cây vẫn có thể phát triển được. Cần chú ý tránh để cây chịu úng nước bạn nhé, cây không thích nước quá nhiều đâu nha.
Ánh sáng
Cây yêu thích ánh sáng, nhờ có ánh sáng mà cây quang hợp tốt hơn. Nhưng không nên để cây dưới ánh nắng gay gắt trong thời gian dài tránh lá cây bị cháy và rụng.
Nhiệt độ
Cây phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 20-25 độ C, bạn có thể chăm sóc cây tốt nhất vào mùa xuân. Đó là thời điểm thích hợp cho cây cối vạn vật lớn lên.
Độ ẩm
Cây thường được trồng thành giàn nên có thể giữ độ ẩm ở mức ổn định và điều hòa. Bởi vậy chỉ cần môi trường ánh sáng và tưới nước đủ sẽ giúp cây có được độ ẩm thích hợp để lớn lên.
Đất
Đất trồng cây luôn là điều tối quan trọng trong quá trình chăm sóc. Hãy để đất đảm bảo thoát nước tốt và đủ chất dinh dưỡng.
Bón phân
Cây hoa Đậu Biếc có đặc tính sinh trưởng dễ thích nghi, vì vậy việc bón phân cho cây khá dễ dàng. Ta có thể chia việc bón phân cho cây thành nhiều giai đoạn nhỏ.
Khi cây được trồng khoảng 20 ngày tiến hành bón thúc phân đạm 2 tuần/lần để cây phát triển nhanh, sớm ra lá. Sau 2 tháng ta có thể bón lót cho cây bằng phân bón NPK 1 tháng/lần.
Cứ tiếp tục đến khi cây bắt đầu ra hoa lại bổ sung phân kali. Sau mỗi đợt ra hoa ta có thể cung cấp cho cây bằng phân bón hữu cơ tự ủ hoặc phân NPK giúp cây cân bằng lại dinh dưỡng.
Lưu ý không để lượng phân bón quá gần gốc cây, vì điều này rất dễ làm thay đổi đột ngột độ thẩm thấu của đất gây thối rễ cây. Ta có thể chọn cách để gần gốc cây rồi tưới nước để phân bón thẩm thấu dần hoặc pha loãng phân bón với nước để tưới.
Tỉa lá
Thời gian đầu, để đảm bảo cây phát triển mạnh và ra nhiều nhánh, ta có thể tỉa bớt các ngọn và lá không cần thiết để cây tập trung dinh dưỡng lớn lên và chuẩn bị ra hoa.
Làm giàn
Cách làm giàn hoa Đậu Biếc rất đơn giản, khi cây phát triển cùng những tua gai mọc lên, bạn buộc những thanh cây để các tua gai bám lên. Hoặc trồng cây gần gốc cây thân gỗ, hoặc cổng nhà thậm chí là bờ tường, dây tua sẽ tự động ghé sát và leo lên.
Cuối cùng, hãy cùng Vườn Tâm đón chờ cây nở hoa và đơm trái nào. Trong các bài viết tới Vườn Tâm sẽ cập nhật cách thu hoạch, bảo quản và cách dùng hoa Đậu Biếc nhé!
admin (xác minh chủ tài khoản) –
Very good product